Thái tử Tất-Đạt-Đa và hành trình giác ngộ

Kính mừng kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn xuất gia (8-2 ÂL)

07-03-2025

PGBT – Hằng năm, vào ngày mùng 08 tháng 02 âm lịch, những người con Phật trên khắp thế giới, tưởng nhớ ngày Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ cuộc sống vương quyền, quyết chí ra đi tìm đường giải thoát cho chính mình và cho nhân loại.

Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, một hành trình giác ngộ, đánh dấu sự khai sinh của Phật giáo. Từ bỏ vương quyền, sống đời ẩn sĩ để tìm cầu sự giác ngộ, là biểu tượng cho lý tưởng cao cả và tấm gương sáng về sự hy sinh, trí tuệ và lòng từ bi của Ngài. Hành trình đó như một sự dấn thân và kiên trì của Thái tử, cho đến khi đạt được sự giác ngộ dưới cội Bồ đề. Đây là một sự chuyển hóa, mở ra cho nhân loại một con đường an vui, hạnh phúc.

Khởi nguồn của con đường giác ngộ, là bước ngoặc quan trọng trong hành trình tìm kiếm chân lý của Thái tử Tất Đạt Đa. Ngài nhận thức rõ về cuộc sống nhân sinh không thể mang lại hạnh phúc lâu dài, chỉ có con đường giác ngộ mới có thể giải thoát con người khỏi vòng trầm luân đau khổ. Hành trình tìm kiếm chân lý của Ngài, không chỉ vì lý tưởng giải thoát cho riêng mình, mà vì lòng thương xót tất cả chúng sanh đang đắm chìm trong sanh tử.
Từ nhỏ, thái tử sớm nhận ra được sự khổ đau của kiếp người, không ai thoát khỏi cảnh già, bệnh, chết. Hơn nữa là hình ảnh thoát tục của vị Sa Môn, đã phần nào giúp thái tử thấy được con đường giác ngộ, vĩnh viễn thoát ly mọi khổ đau. Cũng từ đó, Ngài ươm mầm xuất thế, quyết tâm từ bỏ gia đình, sống đời khổ hạnh.
Hình ảnh biểu tượng về tinh thần dũng mãnh, vô úy của Phật khi quyết xả ly đời sống thế tục
Hành trình giác ngộ của Thái tử Tất Đạt Đa để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nhân loại, không chỉ đối với Phật giáo mà còn đối với nền văn minh và triết lý của thế giới. Hành trình này không chỉ là một quá trình tìm kiếm chân lý, mà còn là sự khai mở con đường tâm linh rộng lớn, lan toả đến hàng triệu người trong suốt hơn hai nghìn sáu trăm năm qua.
Một trong những bài học ý nghĩa mà Thái tử Tất Đạt Đa truyền dạy cho nhân loại sau khi thành đạo chính là giáo lý Tứ Diệu Đế, như một chân lý chắc thật, có giá trị mãi với thời gian. Đây là nền tảng cốt lõi trong giáo lý đạo Phật, giúp con người nhận thức được bản chất của cuộc sống, và chỉ ra con đường thoát khỏi khổ đau. Giáo lý này không chỉ mang tính triết lý mà còn là kim chỉ nam, giúp người hành giả vượt qua khó khăn, tìm thấy sự bình an trong cuộc sống.
Hành trình giác ngộ của thái tử còn mang ý nghĩa về sự bình đẳng giữa tất cả chúng sinh “ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn”, mọi người đều bình đẳng nhau về giai cấp, chủng tộc hay giới tính, không có sự phân biệt hay kỳ thị nào, tất cả đều có khả năng giác ngộ và giải thoát. Thông điệp này phá vỡ mọi rào cản xã hội, nhấn mạnh “ Sự giác ngộ không phân biệt giai cấp hay bất kỳ đặc điểm nào của con người”. Ngài khẳng định tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật.
Nhớ về ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, chúng ta không chỉ tưởng nhớ một sự kiện lịch sử trọng đại, mà còn suy ngẫm về những giá trị sâu sắc mà Ngài đã truyền dạy cho nhân loại. Đó là bài học về tình thương bao la, lòng từ bi vô hạn, vượt qua chính mình để đạt đến sự giác ngộ. Giáo lý của Ngài đã trở thành nguồn sống, là kim chỉ nam trong việc đối diện với khổ đau và tìm kiếm an lạc, đồng thời góp phần xây dựng các giá trị nhân đạo, bình đẳng và công bằng xã hội. Vì vậy, mỗi năm nhớ về ngày kỷ niệm xuất gia của đức Phật, chúng ta cần phải trau dồi tâm kiên trì, tinh tấn và tỉnh thức để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Thích nữ Trung An