Tôi bước chậm rãi trên triền đồi sim chín, vạt nắng khẽ khàng len qua tán lá lỗ chỗ vết sâu ngặm, khiến khuôn mặt lốm đốm ánh vàng như vết tàn nhang. Quê tôi bình yên trong khói đốt đồng hòa quyện chiều nhạt nắng, nơi đó chỉ có tiếng đám trẻ con xóm núi rủ nhau đi hái quả dại. Có thằng bé con lẽo đẽo đi cạnh cha, nắng chiều in hằn bóng của hai cha con lên đất đỏ. Cảnh vật quen thuộc ấy làm lòng tôi thấy trống trải, cô quạnh, chạnh lòng biết mấy. Những cơn gió Lào ngày hạ thổi vào lòng tôi, ngổn ngang thứ hoài niệm ở một bến xa cũ nào đó. Chiếc radio cũ mèm mang bên người vẫn phát lên bản nhạc quen thuộc: Tình cha ấm áp như vầng thái dương. Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan… mà hồn tôi dường như không neo ở bến bờ hiện tại nữa, vì chuyến tàu kí ức đã xẹt ngang đưa tôi về biền bãi tháng ngày tôi vẫn còn được nằm trong vòng tay của cha.
Cha tôi – một người không hoàn hảo, nhưng luôn dành những điều hoàn hảo nhất cho con, tình thương của cha khó thấy hơn ở mẹ, chưa bao giờ cha nói cha thương con đến bực nào, cứ âm thầm lẳng lặng như dòng nước êm đềm tắm mát những bờ kênh. Cha sẽ nhíu mày lại khi thấy tôi nhăn mặt ăn khổ qua hầm hay ăn trúng ớt, cha bảo con trai phải mạnh mẽ, kiên cường, phải chịu được những cay đắng của cuộc đời thì sau này mới có thể bôn ba ngoài xã hội và che chở cho gia đình được. Dạy tôi là thế những khi thấy tôi than thở: Cơ mà con ghét khổ qua lắm, con chịu thôi, thì cha chỉ mắng yêu: Bố cha anh, thôi đưa phần vỏ để cha ăn cho, con ăn phần ruột đi. Món khổ qua hầm mẹ nấu luôn là kí ức ấm áp trong tôi về cha, phần nhân chắc nịch vì được bao bọc bởi lớp vỏ sần sùi màu xanh lá, thêm vị cay thơm của tiêu, hành và hầm nước dừa ngọt dịu, và hơn hết đó là thứ cha luôn nhường cho tôi. Cha là vậy, bề ngoài nghiêm khắc đến độ cứng rắn, kiệm lời nhưng luôn nuốt những đắng cay để nhường con phần tốt đẹp nhất. Tỉ mẫn ngồi nhặt từng miếng ớt trong ổ bánh mì ra cho tôi khi thím bán bánh mì ngoài ngõ quên lời dặn. Đời cha sương gió “ăn muối nhiều hơn cơm” và mùi mồ hôi lấn át cả mùi bột giặt thơm tho dẫu mới giặt tinh tươm, lúc nhỏ mỗi khi cha đi làm về tôi đều không dám tiến lại gần cha, còn bảo với cha rằng: Cha ơi, người cha có mùi chi mà khó chịu lắm.
Cha chỉ gãi đầu, cười ngượng: Ừ vậy à để cha đi tắm.
– Sao cha không xịt nước hoa như chú Hoàng, cha của bạn con í.
– Cha như vậy quen rồi, nước hoa đắt tiền lắm, vả lại cha có đi tới chỗ nào sang trọng đâu mà dùng
Khổ qua có vị đắng như cuộc đời của cha, lao ra ngoài đường kiếm ăn từng bữa, làm việc từ lúc mặt trời chưa dậy đến khi vạn vật đã chìm vào màn đêm say giấc, sự vất vả cơ cực in hằn lên khuôn mặt sạm đen vì nắng, mái tóc đã điểm bạc và đôi vai nặng gánh khô gầy. Mỗi ngày trôi qua trên thế gian này đều là một cuộc trao đổi của cha với đời vì tôi, cha đổi sức khỏe lấy cuộc sống đủ đầy cho con, đổi thời gian lấy sự trưởng thành trọn vẹn của con, đổi mồ hôi nước mắt lấy nụ cười cho con. Chân cha đã bao lần rướm máu vì chông gai nhưng chưa một lần cha bỏ cuộc vì phía sau lưng cha là tôi và mẹ. Nhiều lần ngồi học bài nghe lén cha than với mẹ sao mà mấy nay mất ngủ, đau lưng mới biết cha chẳng còn khỏe như trước; cha thường quên tắt quạt, quên cả việc cho con Mực ăn, mới biết cha bắt đầu đãng trí, hay quên; bắt gặp cha ngồi ăn bánh mì không trước công xưởng, mới biết đó là bữa trưa của cha. Cha có thể mua cho tôi thật nhiều quần áo mới, nhưng cha tại tiếc rẻ một cái khăn quàng cổ cho mình dù cha hay ho và bị bệnh suyễn. Lúc đó, tôi đã ước mình lớn thật nhanh để có thể trưởng thành, khôn lớn trước khi cha chập choạng xế chiều, ước vai mình đủ rộng để gánh thay cha bao cơ cực ở đời, ước cha ngủ ngon giấc, hết đau lưng, ước nhiều lắm…Cha chưa từng kể cha vất vả thế nào, vất vả ấy cha giấu đi, những lo toan, khó khăn trong công việc cha để lại ngoài kia hết, chỉ còn lại mấy cái bánh bao chiên nóng hổi treo lủng lẳng ở đầu xe mang về cho con và ánh mắt mong chờ háo hức của sấp nhỏ khi nghe tiếng xe máy cha dựng trước cửa, cùng tiếng gọi thân thương: Đứa nào ra chào cha, cha thưởng bánh nào – Con chào cha !!, Dạ con, dạ con.
Là đàn ông thì không được rơi lệ vì những điều nhỏ nhặt có phải không cha? Chắc là như vậy rồi, cha sẽ không bao giờ khóc cho dù là ấm ức hay những nỗi đau thân thể, bệnh tật. Lúc nhỏ tôi mít ướt lắm, gặp chuyện gì cũng có thể khóc một cách ngon lành, cha sẽ nghiêm nghị nhìn con và nói: Nín, đàn ông không được khóc nhè, lúc ấy tôi tròn xoe mắt thắc mắc: Tại sao vậy ạ?.
Cha im lặng hồi lâu rồi tìm trên kệ tủ một quyển sách màu cam đất đưa cho tôi: Cha không giỏi nói, con đọc đi rồi con sẽ hiểu.
Tôi đón lấy cuốn sách từ cha, ánh mắt tôi bất chợt va vào kệ tủ gỗ đóng trên tường, những cuốn sách được xếp ngay ngắn cha mua về, sách tâm lí trẻ em, học cách làm cha mẹ,… Cha vốn dĩ không thích đọc sách, mắt cha yếu rồi, mỗi lần đeo cặp kính dày cộm nhìn từng con chữ, cha phải xoa xoa mắt cho đỡ mỏi. Sau khoảng thời gian làm việc, cha có thể chọn nằm võng bấm điện thoại, nghe nhạc, hay đi gặp gỡ, uống cà phê với bạn bè như bao người cha khác, nhưng không, trong một khoảnh khắc, tôi thấy cha thật đặc biệt. Hóa ra, cha luôn cố gắng làm một người cha tốt.
Trong cuốn sách Cây cam ngọt của tôi- cuốn sách cha đưa tôi đọc. Cha của Zezé đã nói với cậu bé rằng: “Đừng khóc, con trai. Nếu con cứ dễ xúc động như thế này thì trong cuộc đời con sẽ còn phải khóc nhiều lắm đấy” Cuối cùng tôi đã hiểu, câu nói của cha không phải là sự áp đặt, gia trưởng, chuyên quyền mà giản đơn chỉ muốn con rèn luyện bản lĩnh, cứng rắn như sỏi đá để có thể trụ vững trước bão giông cuộc đời ngoài kia.
Không ai dạy cho bố
cách trở thành người cha
nên lắm lúc xót xa
bố cũng hay lầm lỡ
bố quát con thật sợ
bố trách con thật nhiều
những lời nói “không yêu”
tiếc thay, con chẳng hiểu
(Đi vòng thế giới vẫn quanh một người- Lam)
Video bài thi
Đã có lúc tôi giận cha, vì cha hay cằn nhằn, cộc cằn, lo lắng thái quá lại còn la mắng vô cớ, nhưng mãi sau này mới thấy, đi khắp thế gian cũng không tìm được ai cằn nhằn, lo lắng cho tôi như vậy nữa. Trong Reply 1988 có câu như này: Bố cũng chỉ là người lớn lần đầu làm bố. Cho nên con gái à, hãy lượng thứ cho bố nhé. Tôi biết rằng cha tôi trước đây cũng chỉ là một chàng trai trẻ đầy khát vọng, chưa từng được dạy cách làm cha, nhưng từ khi có tôi bên đời, cha đã phải nỗ lực rất nhiều… Tháng năm sau này nhớ lại, lòng tôi bao giờ cũng dâng lên một nỗi niềm hối hận khôn xiết, giá mà ngày ấy tôi đừng để giọt buồn đọng trên mắt cha, giá mà tôi hiểu tận sâu những lắng lo ngập tràn trong lòng người đàn ông yêu thương tôi hết mực, thì có lẽ bây giờ tôi không cảm thấy day dứt mỗi khi nhớ về. Cha ơi, con có lỗi với người.
Mùa Đông nào qua ngõ / Cho nỗi nhớ ùa về, người ta thường nhắc về mùa Đông với tất cả nỗi niềm nhớ thương da diết, về những gì chưa kịp nắm lấy đã vội biến mất, như cái cách mặt trời đỏ nhuộm cả một vùng trời dần dần nhường chỗ cho đêm đen độ hoàng hôn. Người ta nhớ những buổi chiều nắng không trở lại và mơ sao Hạ về bên cửa. Nhớ thanh âm trống vắng văng vẳng bên tai khi cơn mơ vừa qua đi. Nhớ cảm giác áo quần mỏng tang và run lên vì lạnh. Nhớ cơn gió bấc mỗi sớm mai chợt gõ cửa khi đi ngang qua thị trấn mây ngàn. Và…nhớ cả câu nói “Cha sẽ về” trong buổi chiều mùa đông năm cũ vẫn mãi vẹn nguyên và lưu giữ trong tâm tưởng tôi như thuở ban đầu.
– Cha sẽ về, cha sẽ mua cam cho con.
Vậy mà cái ngày định mệnh ấy cùng chiếc ô tô chạy quá tốc độ đã cướp đi cha của con mãi mãi, nhìn từng quả cam lăn lóc trên mặt đường, nỗi đau đớn tột cùng làm hai tai ù đi và mắt chẳng còn thấy gì nữa như có thác lũ chảy từ mí mắt rồi phủ lên con mắt bức màn thủy tinh đục ngầu. “Cha ơi…cha” đó là tất cả những gì tôi có thể thốt lên trước khi nước mắt và tiếng nức nở lấn át giọng nói . Bầu trời hôm ấy vẫn xanh trong, chỉ có lòng tôi ngập đầy bão tố. Chim trên trời vội vã bay về tổ, còn tôi lẻ loi chẳng biết nơi đâu để về, ừ thì dẫu có về cũng chỉ lạnh tanh, không còn cha, chẳng nơi đâu là nhà.
Cha ơi, sao cha chưa về, cha hứa sẽ mua cam cho con mà, cha hứa sẽ kiếm tiền thật nhiều để con có áo đẹp mặc vào ngày tựu trường, cha hứa sẽ nắm chặt tay con mãi. Cha đã vội quên rồi sao?
Cha ơi, sớm mai thức dậy con muốn ôm chặt lấy cha như khi còn bé, ôm thật chặt không rời để chắc rằng mọi chuyện chỉ là một cơn mơ.
Cha ơi, con chẳng muốn làm trẻ mồ côi đâu, chẳng ai nhường con nhân khổ qua, chẳng ai nhặt ớt cho con nữa, con thèm tiếng xe cha đi làm về, con không cần bánh bao chiên nữa, cha về với con nghe cha.
Cha ơi, đã có lúc con cố quên đi những mảnh kí ức đau thương và đượm buồn ấy, để nỗi chấp niệm dai dẳng không còn bám riết và đeo đẳng con suốt quãng đời còn lại, nhưng cuối cùng lại không thể. Cố nhặt nhạnh những mảnh ghép hoài niệm để vùi sâu dưới đáy lòng, nhưng rốt cuộc, lại đi tìm hình bóng cha giữa những giấc mơ dài cuốn con vào ngõ cụt không lối thoát. Từ tận thung lũng của miền kí ức, giọng cha vọng lại thiết tha và trìu mến, ấm áp như ánh dương đưa con vào giấc chiêm bao thuở bé. Trong một thoáng mơ hồ con gọi rất khẽ tên cha, con sợ cha giật mình tỉnh dậy và bị những nỗi đau giày vò, giằng xé ….
Cha …cha có thấy lạnh không? Con vừa đan xong chiếc khăn cho cha này! Khăn con đan chẳng đắt như ngoài tiệm đâu, con nói thật đó, mùa Đông năm nay lạnh lắm cha ạ, cha choàng vào cổ cho đỡ nhức họng nha cha! Con biết nấu khổ qua hầm rồi nhé, tô khổ qua thơm ơi là thơm, cha phải ăn hết đó, ăn cả phần nhân luôn, cha không được lén con ăn bánh mì không nữa đâu. À, con còn biết phụ mẹ xắt chuối và nhặt cơm cho gà ăn nữa, con trai của cha lớn rồi ạ, nhưng mà con vẫn muốn được cha khen, con giỏi mà có phải không cha.
Cha ở trên cao đấy
Có luyến lưu gì không
Còn con ở nơi này
Nhớ cha đến nhói lòng
Vu Lan năm nay chẳng còn cha ở cạnh, lòng con quạnh quẽ biết mấy, bông hồng nào dành cho con hỡi cha, con ganh tị với những người cài lên ngực bông hồng đỏ và đủ đầy cha mẹ, họ có thứ hạnh phúc vẹn tròn mà giờ đây con chỉ biết ngắm nhìn thèm khát. Nhưng cha à, con hứa sẽ mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ, trở thành một con người lương thiện, biết hy sinh như cha đã từng. Con biết rằng ở nơi đó cha sẽ dõi theo và ủng hộ quyết định của con. Con tự hào vì được làm con trai của cha, mong cha hãy yên lòng nơi chín suối… Tròn nửa năm kể từ ngày cha rời xa cõi trần, hôm nay nhân dịp Vu Lan, tôi cắm cho cha một lọ hoa sen trắng, nhẹ nhàng đặt lên bàn thờ, cúi đầu hay tay chắp lại khấn nguyện. Chợt có cơn gió thổi qua thật khẽ bờ vai, tôi ngước lên nhìn vào di ảnh cha, hình như cha đang cười, cười rất hạnh phúc.
Lê Đặng Tấn Phát