Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh”: Thanh âm chiều

Tác phẩm "Thanh âm chiều" đã đoạt giải Nhất (bài dự thi xuất sắc nhất) và giải Nhì (bài dự thi được cộng đồng mạng bình chọn) trong Cuộc thi "Vu lan - Mùa hoa hiếu hạnh" PL. 2568 do Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh tổ chức

12-08-2024

Thượng tọa Thích Tâm Chơn, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh trao phần thưởng đến tác giả Lê Văn Nhân – Ảnh: Quảng Đạo

Chiều dần buông, những vạt nắng vàng mỏng tanh như vải voan trùm lấy cả tấm lưng tôi. Mọi khi nắng chiều thật đẹp, mọi khi tôi vẫn yêu tha thiết cái thứ ánh sáng nhè nhẹ cuối ngày này, nhưng hôm nay tôi chẳng mảy may quan tâm nó tẹo nào. Cảm giác lúc này của tôi hệt như đang bị cả bầu trời đè bẹp, nặng nề, ngột ngạt, ấm ức, cứ thế, tôi lội bộ một mạch đến nhà thằng Sửu, thằng bạn thân nhất của tôi ở cái xóm quê bốn bề ruộng lúa này.

Tôi với nó là bạn nối khố, thân nhau cũng ngót nghét hơn chục năm rồi. Từ ngày tôi lên thành phố học Đại học, tôi chỉ gặp nó được mấy cỡ Tết nhứt và nghỉ hè. Năm nay, mùa hè quê tôi nóng như đổ lửa, oi bức cả ngày làm người ta dễ cáu gắt. Và cái sự cáu gắt đến vô lý của cha má làm tôi phải bực dọc bỏ ra ngoài.

Nhà thằng Sửu cách nhà tôi một con kênh, qua cây cầu khỉ, lội bộ thêm dăm ba bước chân là tới. Ngôi nhà của nó, một ngôi nhà cấp bốn đơn sơ dựa lưng vào phông nền đồng bưng xanh ngắt, ngay trước nhà có tấm bảng đề mấy chữ “Mái ấm tình thương” được treo ngay ngắn. Hôm nay qua nhà nó, tôi chẳng cần kêu réo như mọi khi, tôi nghe tiếng nó rành rạnh, nói đúng hơn là tôi nghe được hơi thở của nó, hơi thở tạo thành một thứ âm thanh rất điệu nghệ, rất du dương, có trầm, có bổng, từng làn hơi nó chui tọt vào trong ống sáo trúc rồi hòa quyện vào không gian bát ngát xa xanh.

Tôi và nó chào nhau bằng ánh mắt, tôi khe khẽ ngồi kế bên nó thường thức cho hết khúc nhạc đang dang dở trên môi. Tôi chết mê chết mệt tiếng sáo của nó từ hồi nào không biết, hình như là từ lâu lắm, từ cái ngày tôi với nó còn ở truồng tắm mưa, từ cái ngày má nó còn ở nhân gian và tập tành cho nó thổi mấy nốt nhạc đầu đời trong trẻo. Má nó đẹp và hiền lắm, tới tôi còn nhớ như in huống hồ là nó…

Lần nào như lần nấy, cứ mỗi khi dứt tiếng sáo là nó khóc ròng như con nít, nó gục đầu vào mộ má nó mà khóc. Bao giờ tôi dìa quê, lại nhà nó chơi cũng nghe nó thổi sáo và… nghe nó khóc, thiệt nhói lòng! Tôi chẳng bao giờ cản nó, khóc một trận cho đã đời sẽ tốt hơn nhiều so với việc gặm nhấm nỗi khổ niềm đau.

Tác giả Lê Văn Nhân và mẹ trong buổi trao giải – Ảnh: Quảng Đạo

Tôi nhớ không lầm thì đã gần tròn hai năm kể từ ngày má nó về thế giới của người hiền. Ngày má nó đi cũng là cái ngày mà tôi và nó biết điểm thi đại học, nó cao điểm hơn hẳn tôi, đậu nguyện vọng một là chuyện chắc ăn như bắp, thế nhưng, chả còn cái vui vẻ gì ở đây nữa hết. Má nó mất, đất trời trong nó như nát vụn hoàn toàn, nó chả biết làm gì khác ngoài khóc, cái thằng, coi bự con vậy chớ mít ướt lắm… Mà cũng phải thôi, bởi trên đời nó đâu còn người thân nào nữa đâu mà khóc, nên nó tranh thủ nhớ má lúc nào là khóc ngay lúc đó, khóc cho trôi tất tần tật cái nỗi nhớ niềm thương, má nó là hơi ấm tình thân duy nhất trên cõi đời. Tôi chả hiểu sao ông Trời lại đày đọa thằng Sửu như vậy. Trời cho nó cái cơ thể cường tráng như cái tên, cho nó một cái đầu thông minh sáng suốt, nhưng lại nhẫn tâm tước đi cái động lực sống duy nhất của nó. Thằng Sửu chẳng còn cái ước ao vào đại học, nó nói với tôi hoài, đi học rồi lấy ai quét tước lau chùi, nhang đèn mồ mả cho má nó? Nó ở lại quê mần công nhân, ngày tám tiếng, chiều về thì ra sau hè thổi sáo cho má nghe, vậy là xong, một ngày chỉ dài vỏn vẹn bằng dăm ba lần hoài niệm…

Tôi mến nó lắm, mến vì nó có hiếu. Nhiều khi tôi cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ về phần mình. Tôi đủ đầy cả cha cả mẹ, cả ông cả bà, nhưng bao giờ tôi cũng xem đó là chuyện rất thường tình, là thứ tài sản tất yếu mà tôi phải có khi hiện hữu trên cuộc đời này, và rồi tôi chưa bao giờ trân trọng. Như hôm nay, tôi thẳng thừng phản bác chuyện cấm đoán vô lý của cha má tôi. Vô vàn lý do mà họ đưa ra tôi vốn chả để vào lỗ tai, có lẽ tình yêu làm người ta mù quáng thật? Tôi không dám cãi cọ thêm mà chỉ ôm một khối tức hừng hực ra khỏi nhà, đi kiếm thằng Sửu, tôi muốn nói cho nó nghe, và muốn nghe nó nói… Ít ra tôi thấy trên đời này còn có người hiểu tôi, và chắc chỉ có nó mới ủng hộ chuyện tình yêu của tôi với Kesor, một cô nàng du học sinh đến từ Vương quốc Campuchia xa xôi. Cách trở địa lý và rào cản ngôn ngữ là thứ khiến má tôi hằn học mỗi khi nhắc tới Kesor. Về phần tôi, tôi thấy hạnh phúc và yêu đời hơn từ khi Kesor đến, nhưng cũng chính sự xuất hiện của cái tên Kesor làm cho gia đình tôi nảy sinh nhiều mâu thuẫn mấy dạo gần đây. Hôm nay chẳng phải lần đầu tiên cha má quạu quọ với tôi khi cái từ “Kesor” chốc hiện lên trong tiềm thức họ. Nhưng mà Kesor là vô tội, cô ấy hiền từ và dễ mến lắm! Có lẽ khi yêu bao giờ người ta cũng thấy đối phương như vậy.

Khói nhang trước mộ má thằng Sửu bay xộc vào mắt tôi hồi nào không hay, tôi đưa tay dụi mắt làm mấy giọt mằn mặn đang đọng ứ bỗng chảy nhòe ra ướt cả mi mắt. Tôi chẳng biết là do khói nhang hay tiếng sáo của thằng Sửu làm tôi chảy nước mắt. Mà thật sự, tiếng sáo của nó như một con đò hiền đưa tôi về những ngày thơ ấu vô lo. Lời ru của má tôi ngày đó cũng du dương hệt như tiếng sáo thằng Sửu thổi. Tôi nhớ loáng thoáng một đoạn cảm âm trong bài sáo trúc của thằng Sửu, bài Lòng mẹ, bài duy nhất mà nó biết thổi, bởi má nó dạy cho nó đúng một bài rồi… ra đi.

“Rề pha son lá, son phà son rề, đồ rê

Là rê mi pha, mi rề mi là, mì la…”

Tôi còn nhớ mại mại bởi ngày trước tôi có mấy bận được thổi sáo chung với nó, má nó dạy luôn cho hai đứa. Nhưng có lẽ tôi chả có duyên với âm nhạc, thổi hoài mà chẳng có lấy nốt nào ra hồn, nên thôi, tôi thích ngồi nghe nó thổi hơn. Tôi thả mắt trầm ngâm thơ thẩn trước làn khói hương nhè nhẹ che đi mấy dòng chữ chạm khắc cái tên tuổi vô thường trên bia mộ dì năm – má thằng Sửu. Bất chợt, bên tai tôi, cái giọng còn đang ướt nhèm nhẹp trong nước mắt của nó làm tôi giật mình và rồi quặn thắt. “Nói gì thì nói, còn má, còn cha, đừng làm cho ổng bả buồn nữa nghen. Để như tao… bây giờ tao nói gì má cũng có nghe, có thấy được nữa đâu!”

Thoáng chốc, thằng Sửu làm cho tôi nhận ra mình thiệt tệ… Nghĩ lại hai mươi mấy năm nay, tôi đã làm được gì cho cha má? Ngoài mấy lần cùng lũ bạn chơi bời về khuya lắc khuya lơ, đua đòi cha mua cho cái này cái nọ, bắt má phải nghe theo mình thế nọ thế kia… thì tôi chẳng làm được điều gì cho họ tự hào cả. Tôi thấy mình ích kỷ, bao giờ cũng bắt người khác phải hiểu ý mình, nhưng coi kỹ lại, tôi chưa bao giờ hiểu được tâm ý người ta…

Video bài thi

Nói về lúc má tôi vui nhất, có chăng là cái lần tôi đậu vớt đại học. Tôi thấy lần đó má vui thiệt, má cười suốt ngày, gặp ai má cũng khoe thằng con trai của má… Nhưng chỉ ngày hôm sau thôi, ánh mắt cha má lại đượm buồn vì nỗi lo tiền nong cho tôi khăn gói lên thành phố. Lúc đó tôi không quá bận tâm, vì với tôi, những điều cha má cho tôi, tôi luôn cho đó là nghĩa vụ… Bao nhiêu năm ròng, bao nhiêu thời gian quý báu đáng lẽ tôi phải nâng niu, đáng lẽ tôi phải dùng nó để làm vơi bớt đi những giọt mồ hôi ướt ròng trên khuôn mặt lấm tấm dấu chân chim của cha, của má…

Chả biết trời xui đất khiến thế nào đến hôm nay tôi mới nghe thằng Sửu nói, cái câu nói như “khai thị” cho tôi. Tôi bâng quơ nghĩ ngợi tới cái ngày tôi giống như nó, một thân một mình, có lẽ khi ấy tâm trạng tôi sẽ còn thảm hại hơn nó nhiều, sẽ giống hệt như một cái cây khô cằn, trơ trọi…

Những âm thanh của ễnh ương, ếch nhái đã bắt đầu len lõi vào trong tâm thức tôi, như tiếng gọi tôi về. Ban nãy ra khỏi nhà, tôi định bụng còn khuya mới về, ở chơi với thằng bạn một hôm cho đã, nhưng bây giờ, tôi chỉ muốn về nhà, chẳng phải thằng Sửu làm gì cho tôi buồn, mà nó làm cho tôi thấy nhớ cha, nhớ má, cái nhớ đến nao lòng, mặc dù chỉ mới hơn nửa tiếng đồng hồ. Sự mất mát và bươn chải quá sớm làm cho nó suy nghĩ chững chạc hơn tôi. Tôi biết nó đang nghĩ cho tôi, nó sợ tôi giống nó…

“Đi!” – Tôi nắm tay nó và kéo.

“Đi đâu?” – Nó nhìn tôi với ánh mắt chưng hửng còn nguyên gam màu đỏ hoe ứ nước.

“Nay qua nhà tao ăn cơm! Cha má tao đợi!”

Nó chưa bao giờ từ chối hay mại hơi khi tôi ngỏ lời mời như vậy, tôi biết nó luôn chán ngán cái cảnh lủi hủi ăn cơm mình ên những ngày đi mần công ty về tối mù tối mịt. Từ ngày má nó mất, có dịp nào về quê, tôi cũng kéo nó qua ăn cơm chung với gia đình tôi, còn mấy lúc không có tôi ở nhà, cha má tôi có gọi cách mấy nó cũng lễ phép từ chối. Cái thằng thấy vậy chứ hay ngại ngùng lắm, có tôi thì nó mới qua.

Còn vỏn vẹn chục ngày nữa là tới lễ Vu Lan. Năm nay, tôi quyết định xin nghỉ công việc gia sư mùa hè trên thành phố để ở với cha má trọn vẹn mùa hiếu đạo này. Còn chuyện tôi với Kesor, tôi nghĩ mình cần cho cha má thời gian, hai vị Bồ Tát ấy vất cả cả đời cũng để tạo dựng mọi điều tốt đẹp cho tôi mà thôi. Cãi cọ, tức tối với họ thì thành ra tôi giống một kẻ vong ân. Tôi vẫn nuôi hy vọng, biết đâu dịp Tết tới, khi tôi đưa Kesor về ra mắt, cha má sẽ không còn lý do gì phản đối khi trước mắt họ là một cô gái đầy đặn, phúc hậu, ưa nhìn, rất sành sỏi tiếng Việt và thuộc nằm lòng văn hóa dân tộc Việt Nam…

Mâm cơm chiều nay bớt đi sự ngột ngạt như hồi tảng sáng, có lẽ nhờ thằng Sửu và cả má nó nữa… Thằng Sửu rất biết cách làm cho người khác nhẹ lòng, nó hỏi han cha má tôi về vụ nấm rơm vừa rồi, quan tâm vết thương dưới bàn chân của má tôi và cả cái chứng đau bao tử của cha tôi nữa… Tôi thấy mình không bằng một người dưng, có chút mắc cỡ, nhưng tôi lại thấy vui nhiều hơn, vui vì cái sự chân thành và tích cực của nó. Rác trong nhà thì không mang ra ngoài đường, và rác ngoài đường thì cũng đừng bao giờ mang vào trong nhà. Điều này tôi học từ thằng Sửu. Rác là những cảm xúc tiêu cực muộn phiền, nếu biết cách hô biến rác thành hoa tươi hết thảy thì cuộc sống sẽ đẹp đẽ biết nhường nào.

Đại đức Thích Nhuận Từ và Sư cô Thích nữ Trung An trao phần thưởng đến tác giả đoạt giải Nhì (bài dự thi được cộng đồng mạng bình chọn)

Vu lan năm nay, tôi sẽ cùng cha má đi chùa, tôi không biết có nên rủ thằng Sửu hay không. Bởi tôi suy nghĩ rằng, liệu hai màu hoa hồng hoàn toàn tương phản trên ngực áo có làm cho nó tủi thân và khóc? Một màu đỏ tươi thắm cho tôi và một màu trắng tinh khôi cho nó! Giờ đây tôi thầm tri ân thằng Sửu và tri ân cuộc đời đã cho tôi thấy rằng tôi còn vô vàn may mắn, còn cha còn má là điều may mắn nhất… Chơi với thằng Sửu, tôi học được nhiều điều lắm, nhất là hiếu đạo,“Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”. Tôi nhớ lại nén hương tàn bên mộ của dì Năm – má thằng Sửu, trông kỹ càng, đời người há chẳng phải cũng như nén nhang hay sao? Để lòng nhẹ nhõm thì như làn khói bay lên, còn cứ nặng nề chấp chước thì như tàn tro rơi xuống. Và rồi, dù sang hèn, cao thấp cũng đều phải trở về với hư vô cát bụi mà thôi. Nghĩ tới sự chia ly, giờ đây tôi cho đó là điều cần thiết nhất để buộc chặt hạnh phúc gia đình, cứ nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng được bên cha, bên má, ta sẽ sống trọn vẹn từng giây trong tinh thần hiếu hạnh.

Đêm nay thẫn thờ bên trang nhật ký, tôi sẽ nắn nót vài dòng về những điều mắt thấy, tai nghe, tim cảm nhận trong một ngày dài. Viết để lưu giữ và mong muốn đổi thay từ trong tiềm thức… Tiếng ễnh ương dưới ruộng, tiếng dế bên hông nhà làm tôi bồi hồi nhớ lại cái thời tấm bé hồn nhiên của mình, trong tiếng cười trẻ thơ và trong vòng tay của má, vô nghĩ vô lo. Xin hoài niệm mấy lời ru thiết tha của má tôi ngày ấy thay cho lời kết trên trang nhật ký cuối ngày, và đó cũng như một lời nhắc nhở cho chính bản thân mình những lúc chông chênh!

“Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

Đờn đứt dây còn thay còn nối

Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi!”

Lê Văn Nhân