Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh”: Nghĩ về hai đấng sinh thành

Tác phẩm “Nghĩ về hai đấng sinh thành” của Sư cô Thích nữ Huệ Như đã đoạt giải Khuyến khích (bài dự thi xuất sắc nhất) và giải Nhất (bài dự thi được cộng đồng mạng bình chọn) trong Cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh” Phật lịch 2568 do Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh tổ chức

25-08-2024

Trong hành trình cuộc sống, không có ai có thể thay thế vai trò quan trọng của ba mẹ đối với mỗi con người. Gia đình chính là nơi chúng ta hình thành nhân cách, nhận thức về tình yêu và trách nhiệm. Tình cảm gia đình, hình ảnh của ba mẹ và công lao to lớn ấy là những điều không thể đong đo đếm được. Đôi lúc, ba mẹ quên đi chính mình, quên đi những nếp nhăn chằng chịt mà sương gió cuộc đời để lại, quên đi sức khỏe khang kiện ngày nào đã dần suy yếu vì những lần dãi nắng dầm sương vì các con mà sẵn sàng hy sinh rất nhiều thứ tuổi xuân thời gian công sức… Sự hi sinh của ba mẹ không điều kiện là biểu tượng của tình cảm tuyệt vời nhất là một kho báu vô song trong lòng của chúng con. Biết ơn ba mẹ thật nhiều.

Ni sư Thích nữ Thanh An và Đại đức Thích Nguyên Tựu, Ủy viên BTS Phật giáo Q.Bình Thạnh trao giải Nhất (Bài dự thi được cộng đồng mạng bình chọn) đến tác giả – Ảnh: Quảng Đạo

Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng bé nhỏ trực thuộc của tỉnh Quảng Trị, một vùng đất miền quê. Ở quê tôi, đa phần các làng lớn – nhỏ đều có chùa. Vậy mà ngôi làng bé nhỏ của tôi chưa đến 150 hộ dân mà có đến hơn 60 người xuất gia học Phật. Lúc nhỏ tôi thường xuyên đi chùa cùng với Bà nội, nên tôi có duyên với Phật pháp khá sớm, được thân cận quý Thầy, quý Sư Cô đáng kính. Thuở bé, tôi và các bạn đồng trang lứa trong làng vào những dịp lễ thường hay đến chùa sinh hoạt, tham gia các khoá trại sinh và giao lưu cùng với các anh chị Gia đình Phật tử. Tôi đã học hỏi giáo lý và bắt đầu tôi có ý định đi trên con đường ấy…con đường của người xuất gia.

Tôi xin được gọi tiếng mạ theo phong cách sống và bản sắc của người miền Trung. Vì tiếng mạ đã hoà tan trong máu, trong hơi thở của người con xứ Quảng. Ngày tôi xin ba mạ cho đi xuất gia, tôi biết ba mạ tôi rất buồn. Nhưng vì lý tưởng và ý chí kiên định của con gái mình đành phải chấp thuận cho con đi tu. Lúc đó, tôi từng có suy nghĩ “đi tu liệu có phải là bất hiếu không ?” Bởi vì từ bỏ gia đình, không phụng dưỡng ba mạ khi già yếu, bệnh đau. Cho đến khi tôi được vào chùa xuất gia học Phật, được lãnh thọ giới pháp và đã trở một người xuất gia đúng chánh pháp. Tôi chợt nghĩ nhớ thuở xưa lúc chưa đi tu, tôi từng có suy nghĩ “Đi tu liệu có phải là bất hiếu không?” Nhưng lúc này tôi mới biết, khi nói đến đạo hiếu của người xuất gia, làm tròn hiếu đạo của mình bằng một cách khác, đó là sự báo hiếu cho cha mẹ của một người xuất gia không phải họ đặt nặng về vấn đề vật chất mà chỉ đặt nặng về tinh thần. Mà hướng cha mẹ từ bỏ điều ác, siêng làm việc lành và con đường tu niệm, học chánh pháp, đạt tới trí tuệ chơn chánh, giải thoát. Như vậy, theo lời Đức Phật nói, đó chính là cách báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ trọn vẹn nhất.

Thượng tọa Thích Chánh Lộc, Trưởng ban Kiểm soát BTS PG quận và Ni sư Thích nữ Như Liễu, trụ trì chùa Từ Hạnh (Q.Bình Tân) trao giải Khuyến khích (Bài dự thi xuất sắc nhất) đến tác giả – Ảnh: Quảng Đạo

Một điều mà làm cho tôi cảm động nhất đó chính là em trai kế của tôi, em tôi từ sinh ra đã mang trong mình một căn bệnh Viêm não Nhật Bản (JE) là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút Nhật Bản gây ra (JEV)  là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ co giật, động kinh, nằm liệt giường … ở một số người sống sót. Vậy mà em tôi đã sống, nằm trong số % hy hữu đó, đã vượt qua giai đoạn sanh tử, được đi lại như bao người bình thường, từng bước chân của em đi có hơi khập khiểng nhưng không sao vì đó cũng đã là quá nhiều may mắn đến với em rồi. Cho đến khi lớn lên em không được thông minh, lanh lẹ như người khác, không biết tiền là gì, không phân được màu sắc, không biết đọc và không biết viết chữ. Ba mạ tôi cũng đã cho em đi học mẫu giáo, học cũng được 2 năm lớp 1, mục đích cho em đi học là để em nghe, tiếp thu được các bài học trên lớp và được chơi với các bạn. Vào khoảng thời gian đó, mỗi lần đến lớp sau khi cô giáo dạy học các bài học thuộc lòng, các bạn trong lớp chưa thuộc nhưng em đã thuộc hết rồi, bảng cửu chương em học rất nhanh, chỉ cần các bạn trong lớp đọc vài ba lần là em nhớ và thuộc từ khi nào không hay. Chính vì thế, nên em có trí nhớ rất giỏi và hát rất hay. Nhưng đi đến lớp một thời gian, bị các bạn trong lớp ăn hiếp, nên ba mạ tôi đã dắt em về nhà, kể từ đó em ở nhà với ba mạ và cùng chơi với các bạn trong xóm mỗi ngày. Ấy vậy mà, kể từ ngày tôi đi tu, 5 năm sau tôi trở về thăm gia đình sau khi kết thúc mùa an cư của năm 2011. Tôi đã nhận được một tin hết sức ngỡ ngàng. Em trai tôi nói: “Chị ơi, em muốn đi tu giống chị rứa”. Khi nghe chính miệng em tôi nói câu đó, tôi đã vỡ oà cảm xúc và nắm lấy tay em và nói: Em nói thiệt không? Em trả lời: Thiệt chớ, chị không tin em à!, Em ưng đi tu lâu rồi, đều ba mạ kêu phải chờ chị về đã! Cảm xúc lúc ấy của tôi cũng vừa vui len lõi một chút buồn trong lòng. Tuy biết em mình không được như bao người khác, ở nhà ăn cơm cũng rất chậm, vệ sinh cá nhân ba mạ cũng phải nhắc mới nhớ. Bỗng nhiên, em đòi đi tu cũng làm cho tôi đôi phần lo lắng. Nhưng hội tụ nhân duyên đầy đủ, em tôi cũng đã được xuất gia tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Đắc Nông, em có pháp danh là Nhuận Thiện. Phước duyên khi em gặp được sư phụ thương, huynh đệ yêu quý chỉ dạy từng ly từng tí, từ lời nói cho đến những oai nghi vi tế trong đời sống hằng ngày để tập trở thành một người xuất gia chơn chánh.

Thời gian vậy mà trôi qua nhanh, giờ đây em tôi đã trở thành một người xuất gia, tuy em không đăng đàn lãnh thọ giới pháp như các hành giả khác, nhưng em vẫn mãi là một chú điệu rất ngoan, lễ phép, em có nụ cười rất tươi vừa ngây thơ và hồn nhiên nhất mà trước giờ tôi từng thấy. Tay và chân của em không được linh hoạt như người bình thường, vậy mà từ khi vào chùa tu em đã biết cầm chổi quét rác sau giờ công phu. Tuy em không biết chữ, kinh không biết lật từng trang kinh để đọc, nhưng em nghe bằng tai cùng với trí nhớ nhạy bén nên chú đã thấm nhuần các câu kệ mà thuộc khi nào không hay. Hằng ngày chỉ nghĩ nhớ và niệm Phật A Di Đà. Nhiệm vụ của em là đánh đại hồng chuông vào giờ cúng ngọ và đánh chuông sau mỗi thời tụng kinh tối. Em tuy không biết những con số, nhưng được quý Thầy chỉ khỉ nào nhìn đồng hồ kim ngắn chỉ số 10, kim dài chỉ số 12 là đúng 10h em lên chùa đánh đại hồng chuông, khi nào quý Thầy cúng ngọ xong rồi thì đi xuống. Ngày nào này qua tháng nọ, từ đó đã huân tập trong em những thói quen và sinh hoạt hằng ngày ở chốn Thiền môn. Thương em! mỗi lần tôi về chùa thăm em, em cười rất tươi và tôi rất vui bởi vì nay em mình đã thành một chú điệu chính chắn, bước đi trong từng bước chân được nhẹ nhàng và thanh thoát. Mong em luôn được bình an, giữ vững đạo tâm, cùng với đôi chân cứng cáp để vững bước đi trên con đường này.

Vào thời buổi đó, khi tôi đi tu mạ tôi nghĩ cho con gái đi tu là sẽ đánh mất đi một người con hay con mình vào chùa chỉ biết đánh chuông, gõ mỏ, tụng kinh và chôn vùi cuộc đời ở chốn Thiền môn. Cho đến khi em trai tôi tu, ba mạ tôi đã dần dần đi chùa nhiều hơn, cảm hoá được từng câu kệ tiếng kinh, biết bố thì cúng dường và tham gia các chương trình thiện nguyện. Bây giờ ngoảnh đầu nhìn lại, con đường mà chúng con từng kiên quyết chọn cũng đã đi được một chặng đường khá dài, mới đó mà đã 18 năm và em trai đã được 13 năm với những thành công ngoài mong đợi. Đức Phật đã từng dạy:“Hiếu thảo đứng đầu muôn hạnh”;“Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật”, lời dạy đó đã luôn nhắc nhở chúng con về tầm quan trọng của tâm hiếu và hạnh hiếu trên bước đường tu học.

Sư cô Thích nữ Huệ Như chia sẻ trong buổi trao giải – Ảnh: Thịnh Lã

“Vu Lan đến bao trái tim thổn thức

Vu Lan về hoa đạo nở thơm lừng

Vu Lan ơi nét đẹp thật chơn thường

Cho nhân loại tìm về trong ánh đạo”

Hôm nay, lại một mùa vu lan trở về, những hình ảnh thân thương của ba mạ như sống dậy mãnh liệt trong trong tâm trí của con. Cũng là mùa báo hiếu nhắc nhở những người con phật đền đáp tứ trọng ân, trong đó có công ơn của đấng sanh thành dưỡng dục. Chúng con chưa một lần đối trước ba mạ mà nói lời cám ơn, lời yêu thương, hay bày tỏ cảm xúc thật từ tận đáy lòng mình. Hôm nay đây con xin được mượn giấy bút để trên đây những lời tri ân sâu sắc nhất gửi đến ba mạ của chúng con – vì đã cho chúng con được có mặt trên cuộc đời này. Cảm ơn ba mạ đã trao cho chúng con hình hài, là máu thịt, là hơi thở, là nụ cười…; đã chở che cho chúng con bằng cả tình thương, sự hi sinh to lớn, cùng với những vất vả vì chúng con.

Thật vậy, chúng con được sinh ra trên cõi đời này, được làm con của Ba, con của mạ đó là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được. Chúng con còn nhớ rất rõ cái nôi đầu tiên chúng con được nằm là trong bụng mạ. Mỹ vị đầu tiên của thế gian chúng con được nếm là bầu sữa của mạ. Chiếc nhiệt kế đầu tiên chúng con đo là bàn chân thô ráp của ba. Phương tiện đầu tiên chúng con đi là trên lưng ba. Bác sĩ đầu tiên chăm sóc chúng con là mạ. Người bạn đầu tiên của chúng con là ba. Được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào của mạ khi tuổi còn bé thơ và rồi được chìm đắm trong giấc ngủ êm đềm cùng với gió mát được quạt từ tay mạ vào mỗi trưa hè:

“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

Năm canh dài mạ thức đủ năm canh”.

Trong lời ru ngọt ngào của mạ, con cảm nhận được vị mặn mồ hôi của ba, trong miếng cơm con ăn, trong quần áo chúng con mặc, trong từng trang sách vở của chúng con mang đến trường là trong muôn ngàn nhu cầu sự sống của một kiếp người có lúc nào lành nhạt với lời ru của mạ, có lúc nào khô cạn mồ hôi của ba. Chúng con sẽ không bao giờ quên dáng lưng của mẹ, người đã sáng sớm tinh mơ đã ra vườn bứt từng cộng rau để góp lại thành bó, sau đó bỏ lên cái giỏ mành 2 bên gác phía sau chiếc xe đạp cọc cạch, đi hơn 3 cây số để đứng ven đường bán từng bó rau chỉ kiếm được vài đồng bạc.

Video bài viết

“Ơn trời biển tấm lòng muôn trượng

Mẹ cùng ba sinh dưỡng chúng con

Năm khắc khoải tháng mỏi mòn

Sớm khuya tần tảo héo hon một đời”.

Còn khi nói đến Ba, thì không ồn ào và náo nhiệt, cũng không phô trương và nồng cháy, tình yêu thương của ba là một thứ gì đó vô cùng thầm lặng mà mạnh mẽ. Đôi khi, đấy là nghiêm túc, sự tỉ mỉ, cẩn thận, dù chưa một lần nói ra nhưng ngày càng thấm nhuần, da diết. Đâu ai hình dung ra được, đằng sau của một người đàn ông trầm tính, khô khan ấy là sự ấm áp và trìu mến chỉ dành cho gia đình. Ba đã âm thầm chịu đựng, dang vòng tay chống chọi với bão táp phong ba của cuộc đời, cho chúng con được đứng vững để đi tới chân trời tương lai rộng mở, nói đến ân tình ấy không có một ngôn ngữ văn chương nào để nói lên hết những tình yêu cao quý đó. Chúng con sẽ không bao giờ quên hình ảnh của ba suốt ngày dầm mưa dải nắng để làm ruộng, bốc vác, phụ hồ cho người ta để kiếm tiền nuôi chúng con ăn học bằng bạn bằng bè. Chúng con biết rằng ba mạ của chúng con có thể nghèo khó, nhưng cuộc sống của chúng con chưa từng thiếu thốn, đặc biệt là con đường đến trường tiếp cận với tri thức. Ba mạ luôn vì sự phát triển và hạnh phúc của chúng con mà trở thành “những nhà đầu tư không màng lợi nhuận” suốt bao năm qua. Đâu đó có câu thơ nói rằng:

“Công cha ngàn đời tâm tưởng mãi

Nghĩa mẹ muôn thuở nhớ thương hoài”

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cả cuộc đời không ai khổ bằng cha”

Ba mạ là những người đang chứng kiến khoảnh khắc trưởng thành của chúng con. Bằng những tình yêu trọn vẹn ấy đã chứa đựng cả tấm lòng yêu thương của mạ đã trở thành “máu thịt” nuôi lớn tấm thân bé bỏng của chúng con.

Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con lớn khôn
Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con
.

Vậy nên, khi nói đến Ân cha nghĩa mẹ hai tiếng thiêng liêng đó chỉ có thể cảm nhận được ở nơi sâu thẳm tâm hồn của những tấm lòng hiếu tâm. Cả một chặng đường dài, cho đến khi chúng con được xuất gia ba mạ vẫn luôn dõi theo từng bước chân chúng con đi, hỗ trợ chúng con trong mỗi giây phút trên con đường tu học. Ba mạ đã cho chúng con được tất cả những điều thiêng liêng đó.

Dẫu biết rằng ân nuôi dưỡng của ba mạ sâu như biển, cao như núi , nhưng bên cạnh đó, chúng con cũng muốn gửi lời xin lỗi đến ba mạ. Con xin lỗi vì luôn đã làm ba mạ thất vọng, vì đã từ bỏ ngôi trường cấp 3 hồi ấy. Ngôi trường của nhiều người mơ ước. Trước đó, rất nhiều lần con đã có thái độ không tốt, cãi lời khi ba mạ khuyên con nên học tiếp, ở nhà phụ ba mạ chăm các em lớn thêm một đoạn nữa rồi muốn đi ba mạ cho con đi, nhưng lúc đó con đã không đồng ý vì muốn được đi tu nên đã nói ra những lời sai trái với ba mạ. Chúng con xin lỗi ba mạ vì những lúc ba mạ bệnh đau hay già yếu chúng con đều không ở bên cạnh chăm sóc. Chúng con cảm ơn ba, cám ơn mạ vì đã thấu hiểu và đồng hành cùng chúng con cho đến tận bây giờ. Ba mạ hãy vui mừng và tự hào vì mình đã hiến dâng cho Phật pháp, cho quần sanh những  người con cao quý. Xin Ba mạ hãy vui và hạnh phúc khi chúng con đã tìm và chọn đúng con đường tu tập. Tránh xa những sầu – bi – khổ não để tìm được an yên của tự thân. Vì một ý chí cao đẹp“Thượng cầu Phật Đạo, Hạ hoá chúng sanh” nguyện đem chánh pháp này đến với mọi người khắp nhân gian, con nguyện lấy niềm vui của trăm họ để làm niềm vui của bản thân, nơi nào có ánh sáng của chánh pháp nơi đó con cảm nhận được sự an nhiên của tâm hồn. Đó chính là một nguồn năng lượng tích cực để con không ngừng tinh tấn nhiều hơn nữa trên con đường hoằng pháp lợi sanh. Một lần nữa, chúng con xin được tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến hai đấng sanh thành của chúng con: “Cám ơn ba mạ đã tạo điều kiện, nhân duyên cho chị em chúng con được xuất trần thượng sĩ, được làm đệ tử của Thích tử Thiền môn, được tắm mình trong giáo pháp của Đức Từ Phụ Thích Ca.

Chúng con tin vào tình yêu và lòng hiếu hạnh sẽ là động lực thôi thúc chúng con giữ vững bồ đề tâm, tinh tấn tu tập trên con đường xuất gia học đạo, để hoàn thành xứ mệnh của nguời xứ giả Như Lai, lấy sự nghiệp hoằng dương Phật pháp làm đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, trú xứ nào, thơi điểm nào thì chúng con sẽ không bao giờ quên trách nhiệm của mình chính là đem chánh pháp của đức Phật lưu truyền mãi trong nhân gian. Nguyện chèo lái con thuyền đưa khách sang sông, từ cõi mê quay về bờ giác để giải thoát luân hồi khổ đau, nguyện sẽ cố gắng dành trọn đời mình vào việc tu học, nghiên cứu kinh sách để phục vụ cho đạo pháp, kiến tạo đời sống an lạc, hạnh phúc cho nhân loại.

Chúng con thật may mắn và vui sướng biết bao khi mỗi độ mùa Vu lan trở về, trên ngực áo được cài một đoá hoa hồng đỏ tươi thắm. Đối với chúng con ba mạ luôn là những đoá hoa đẹp nhất trong tất cả các loài hoa toả ngát hương thơm.

Cám ơn ba mạ đã là ba mạ của chúng con.

Thích nữ Huệ Như