Suy ngẫm về “vô thường” qua sự kiện Đức Phật nhập Niết Bàn

THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM ĐỨC THẾ TÔN NHẬP NIẾT-BÀN 15-2 ÂL

14-03-2025

PGBT – Sự kiện Đức Phật nhập Niết Bàn tại rừng Sala (Câu Thi Na) là một minh chứng rõ ràng về giáo lý Vô thường (Anicca) mà Ngài đã giảng dạy trong suốt những năm hoằng pháp của Ngài. Trước khi viên tịch, Đức Phật nhắc nhở các đệ tử rằng:“Này các Tỳ-kheo, các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tinh tấn tu tập để đạt giải thoát.” Đây không chỉ là lời dạy cuối cùng của Ngài mà còn là một bài học sâu sắc về bản chất của cuộc sống.
Vô thường là quy luật tất yếu của vạn vật. Sự ra đi của Đức Phật không phải là một điều bi thương hay mất mát, mà là sự chuyển hóa tự nhiên của thân tứ đại theo quy luật sinh – trụ – hoại – diệt. Chính Ngài cũng đã trải qua sinh, lão, bệnh, tử như mọi chúng sinh khác. Điều này giúp ta nhận thức rõ ràng rằng ngay cả bậc Giác Ngộ cũng không thể nằm ngoài quy luật ấy. Trong đời sống, con người thường bám chấp vào những gì quen thuộc: sức khỏe, tuổi trẻ, người thân, danh vọng và sợ hãi trước sự thay đổi. Nhưng qua sự kiện nhập Niết Bàn, chúng ta thấy rằng tất cả những gì có sinh thì phải có diệt. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ không bi lụy hay đau khổ trước sự đổi thay, mà học cách chấp nhận và sống trọn vẹn hơn với hiện tại.
Cái chết không phải là kết thúc. Trong Phật giáo, Niết Bàn không phải là cái chết đơn thuần, mà là sự giải thoát khỏi mọi phiền não, luân hồi. Khi Đức Phật nhập diệt, thân xác Ngài tuy không còn, nhưng trí tuệ và giáo pháp vẫn còn mãi với thời gian. Ngài từng nói:“Giáo pháp và Giới luật của Ta chính là vị Thầy của các con sau khi Ta diệt độ. Điều này khẳng định rằng, dù Ngài không còn hiện diện bằng thân tướng, nhưng những lời dạy của Ngài vẫn là ánh sáng soi đường cho hàng đệ tử. Hiểu sâu sắc về vô thường giúp ta thấy rằng cái chết là sự chuyển hóa sang một trạng thái khác, tùy theo nghiệp lực của mỗi người.
Cuộc sống vốn dĩ vô thường, vậy làm sao để không khổ đau trước sự thay đổi? Là người đệ tử Phật, chúng ta cần nhận diện và quán chiếu vô thường để sống bình an trước mọi biến động của cuộc đời. Mọi thứ đều thay đổi, nên hãy sống đơn giản, không chạy theo những thứ phù du, không bám chấp vào vật chất, danh vọng. Trân trọng giây phút hiện tại, vì không có gì tồn tại mãi mãi. Hãy biết yêu thương, làm nhiều điều thiện và sống với tâm hoan hỷ. Khi thấy rõ vô thường, ta biết rằng mọi sự vật không đáng để chấp thủ, hài lòng với những gì mình đang có, đó mới là an lạc thật sự.
Sự kiện Đức Phật nhập Niết Bàn như một lời nhắc nhở để mỗi người tự quán chiếu lại chính mình, tinh tấn tu tập để đạt giải thoát. Thay vì sợ hãi hay đau khổ trước sự thay đổi, hãy lấy đó làm động lực để thực hành chánh niệm, buông bỏ chấp nhặt để tìm đến sự giải thoát. Chỉ khi hiểu và chấp nhận vô thường, ta mới có thể sống an nhiên giữa dòng đời biến động.
Thích nữ Diệu Trí