Tháng bảy Vu Lan, trời mưa lất phất. Những cơn mưa đã bắt đầu xuất hiện nơi mảnh đất Sài Gòn, báo hiệu một mùa Vu Lan nữa lại về với những người con Phật.
Vu Lan về, khơi gợi nơi mỗi con người biết bao cảm xúc đan xen khó tả. Có người sẽ hạnh phúc vì giữa cuộc đời hối hả vẫn còn có mẹ cha kề bên; để mình có thể được chăm sóc, thương yêu; để được vùi đầu vào lòng cha mẹ, tìm chút hơi ấm bình yên giữa bao bộn bề, áp lực của cuộc sống. Hay có người lại gợn chút lo âu, vì sự trưởng thành của mình được đánh đổi bằng mái tóc đã điểm màu sương của mẹ, hay những vết chai sần nơi bàn tay lấm lem bụi đất của cha; để rồi chợt hoảng hốt nhận ra rằng thời gian kề cận bên mẹ cha chẳng còn được bao lâu nữa. Nhưng chắc đâu đó, cũng sẽ có người đượm buồn, vì Vu Lan trở về, trên ngực đã phải cài một bông hoa màu trắng. Màu hoa của người con khi không còn cha mẹ trên cõi đời này; để rồi tiếc nuối, bâng khuâng vì mình vẫn chưa làm tròn được câu hiếu đạo.
Dường như, tiết tháng bảy Vu Lan chẳng phải của một riêng người nào cả. Vì ai sinh ra mà không được tạo nên bởi tinh cha huyết mẹ để nên vóc nên hình. Nên chính vì lẽ đó, dù có là Phật tử hay không, chỉ cần là một con người có nhận thức, thì khi nghe tới hai chữ “Vu Lan”, ai mà không bồi hồi xúc động, nghĩ nhớ đến ân đức “chín chữ cù lao” của hai đấng sinh thành.
Tình thương của người mẹ thì muôn đời vẫn bao la, bát ngát mà không một áng văn chương hay mỹ khúc nào có thể diễn tả được. Nhưng khác với người mẹ, tình yêu thương của người cha đối với con, lại hiếm khi nào được bộc lộ một cách rõ ràng. Mặc dù vẫn trọn vẹn cảm xúc và sự yêu thương; vẫn đong đầy sự quan tâm, lo lắng; vẫn luôn hướng mắt dõi theo từng bước đi của con giống như bao nhiêu người mẹ. Nhưng nơi người cha, lại có sự nghiêm khắc của riêng mình trong đó. Chính vì lẽ đó, mà trong hai đấng sinh thành, người cha được gọi là Nghiêm phụ, và người mẹ được gọi là Từ mẫu. Và ba tôi chắc cũng không khác gì những người cha khác là bao!
Tôi còn nhớ lúc nhỏ, tôi rất thích được ba chở đi ra ngoài đường giao hàng cho khách. Lúc ấy, tôi ngồi sát rạt vào ba, ôm cái eo cứng ngắc vì sợ té, dựa sát đầu mình vào lưng của ba, vừa đi vừa tập đánh vần mấy cái tên bảng hiệu cho ba nghe. Lúc đấy, tôi thấy sao mà tấm lưng của ba vững chãi và an toàn đến lạ! Mấy lớp đầu cấp 1, gia đình cũng chả khá giả gì, nên cũng chính ba là người kèm cho tôi học đến tận cuối cấp 1 và bước sang cấp 2.
Theo như nhận xét của nhiều người, tôi có lẽ khá ngoan, cho nên hầu như ít bị ăn đòn, nhưng không phải là không có. Ba thương thì có thương, nhưng đánh đòn thì vẫn đánh, nên tôi sợ ba răm rắp. Lần nào bị ăn đòn, thì lần nào cũng nhớ mãi không quên. Ba đánh nhưng bao giờ cũng dạy cho tôi biết mình đã sai ở đâu, để lần sau không còn tái phạm nữa. Nên chắc nhờ sự nghiêm khắc như vậy, mà tôi đã có tính tự lập từ rất nhỏ trong việc học hành và sinh hoạt hằng ngày của mình. Sau này khi đã xuất gia, tôi thầm biết ơn những gì mà ba đã chỉ dạy cho tôi. Sao những điều ba chỉ dạy khi đó, từ cách đi đứng nói năng, cách đối nhân xử thế như thế nào cho có nhân có nghĩa lại phù hợp với nếp sống thiền môn đến lạ.
Lần thi đại học, ba cũng bỏ hẳn mấy ngày làm, theo sát bước chân tôi trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ba không có điều kiện được học lên cao như bạn bè đồng lứa, mà chỉ dừng lại ở mức Tú Tài. Nên niềm khát khao bước vào ngưỡng cửa đại học của ba, được ba hun đúc hết cho tôi từ lúc nhỏ. Ba từng nói : “Ba không có tài sản gì nhiều cho con, chỉ có thể cho con ăn học đàng hoàng, rồi lấy đó nuôi thân. Dù nhà có nghèo, nhưng phải có học có hành, phải giữ gìn cái nhân cái nghĩa“. Hồi nhỏ nghe riết thì cũng nhàm, nhưng giờ ngẫm lại thì không sai, khi ba luôn muốn tôi bám vào con chữ, để không phải lao động chân tay cực khổ như ba; vì ba đã thấm thía được những thiệt thòi của người không có bằng cấp khi bươn chải kiếm sống giữa cuộc đời, nên không muốn con mình đi vào vết xe đó nữa.
Càng lớn, hình như sự thân thiết giữa ba và tôi càng ít lại, chắc một phần vì giữa đàn ông với đàn ông nên luôn có sự ngại ngùng. Tôi còn nhớ lần đầu tiên nhận được tháng lương do chính mình làm ra, tôi đã trích một ít cho ba. Ba cứ một mực từ chối, nhưng đưa riết rồi thì ba cũng nhận lấy. Mấy hôm sau, tôi nghe má kể lại rằng : “Ba con vui lắm, đi đâu cũng kể cho mọi người nghe, thằng Trường cho tui tiền“! Khi nghe như vậy, lòng tôi tự nhiên thấy ấm áp quá đỗi.
Ba cũng ít khi mở miệng khen tôi trước mặt, nhưng có lần được nghe từ một người cô thuật lại rằng, ba nói ba khá tự hào về tôi với bà con cô bác trong gia đình (mặc dù tôi thấy tôi cũng bình thường chả có gì nổi bật, nhưng chắc trong mắt ba mẹ thì con mình luôn giỏi). Tôi nhớ có lần, khi đi làm về với cái áo mưa ướt nhẹp và rách vài chỗ đã lâu mà cũng chưa dán lại. Tôi cứ phơi đại trên xe. Thế mà, sáng hôm sau trước khi đi làm, ba nói : “Đi làm nhớ mang theo áo mưa, áo mưa ba xếp rồi, sao thấy mấy chỗ rách mà ko chịu dán, nước mưa thấm vào thì sao, ba dán lại rồi“. Nhìn chiếc áo mưa được xếp gọn gàng, tôi chỉ biết mỉm cười hạnh phúc và thấm thía quá đỗi cái câu : “Ai rồi cũng lớn lên, nhưng trong mắt ba mẹ, con cái muôn đời vẫn nhỏ bé“.
Video bài thi
Tôi còn nhớ, ngày mùng một tết năm ấy, tôi nói cho ba biết về tâm nguyện muốn xuất gia của mình. Nghe xong, ba tôi chẳng nói câu nào, lặng lẽ ra đứng ngoài cửa, đốt điếu thuốc rồi trầm ngâm. Lần đầu tiên tôi thấy những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má đen sạm suốt một đời lam lũ của ba. Suốt mấy ngày Tết, cả gia đình đều nặng nề vì ý muốn xuất gia của tôi. Chắc có lẽ, ba sợ tôi đi tu sẽ khổ khi phải ăn chay nằm đất, là sẽ mất đi một người con yêu quý của mình. Nhưng rồi vì thương tôi, nên ba vẫn chấp nhận cho tôi được đi theo con đường thoát tục của đức Như Lai.
Sau khi tôi xuất gia không lâu, thì Mẹ tôi cũng qua đời. Chính sự ra đi của người bạn đời, cũng như việc đi tu của tôi, có lẽ là một cú sốc rất lớn đối với ba vào thời điểm đó. Nhưng nó cũng đã giúp cho ba nhận ra quy luật vô thuờng nơi cuộc đời giả tạm này. Cũng kể từ đó, ba bắt đầu học Phật, ba dường như muốn tìm hiểu tại sao đứa con của mình lại bỏ gia đình mà đi tu. Cứ thế, ba học Phật qua những video của các vị giảng sư trên mạng, rồi từ từ thấm nhuần được những lời dạy của Phật hồi nào không biết.
Có dịp về thăm ba, nghe ba chia sẻ đôi điều, tôi thấy khá bất ngờ về những gì ba biết về Phật pháp. Từ một ngươi chưa biết gì về đạo Phật, vậy mà giờ đây, ba đã phát tâm quy y Tam bảo, phát tâm bố thí cúng dường, dần trở thành một người Phật tử thuần thành. Dù cuộc sống vẫn còn chưa khá giả, nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đeo nặng trên vai, nhưng ở nơi ba, tôi thấy được sự an vui với phước nghiệp của mình. Ba đã biết sống buông xả với những suy nghĩ tiêu cực trong lòng, và an lòng với những gì mình có. Mỗi lần có dịp ngồi nói chuyện với ba, nghe ba kể những gì ba hiểu về giáo lý, tôi chợt nhận ra hạt giống lành từ việc xuất gia của mình giờ đây đã cho ra những quả ngọt. Với hình hài của người xuất gia, tôi không thể chăm lo cho ba đầy đủ nhất về mặt vật chất, nhưng tôi tin rằng tôi đã truyền được niềm kính tin Tam bảo và biết tu tập theo những lời Phật dạy cho ba.
Hằng đêm, tiếng chuông nhịp mõ hoà vang cùng lời kinh tiếng kệ nơi ngôi đại hùng bảo điện làm tôi nhớ mãi về hình ảnh hai vị Bồ tát Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn trong chương Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Các Ngài đã thi thố tài năng, chứng tỏ cho cha mình thấy và hiểu biết rằng, tài năng của họ vượt hơn tu sĩ Bà la môn, khiến vua Diệu Trang Nghiêm phát tâm tu Bồ tát đạo và sau này thành Hoa Đức Bồ Tát. Hình ảnh của các Ngài là một hình ảnh đẹp về lòng hiếu thảo của những người con Phật, dù xuất gia rồi vẫn không quên trách nhiệm hoá độ song thân. Tôi thầm ước một ngày nào đó không xa, tôi cũng sẽ làm được như các Ngài, sẽ cùng nắm tay ba đi trên con đường giác ngộ như vậy.
Mùa Vu Lan về, xin thắp lên ngọn nến trong tâm, bằng những hành động thiện lành, và công đức tu học, nguyện hồi hướng toàn thể phước lành đến tất cả những bậc Mẹ Cha – những vị Phật sống nơi mỗi gia đình, luôn được an lành và bá niên trường thọ:
“Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời bình an”
Và tôi muốn nói với ba rằng : “Con tu cho ba và ba cũng tu cho con, ba nhé !!!”
Thích Đức Kiên