Không chỉ là các tác phẩm dự thi mà còn là những câu chuyện với nỗi niềm sâu lắng, những yêu thương chất chứa trong lòng chưa hé lộ về cha mẹ được các bạn trẻ gửi gắm một cách chân thành nhất qua cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh”.
Video lễ trao giải cuộc thi
Đó cũng là những bông hoa hồng thân thương gửi đến hai đấng sinh thành của mình, dù còn hay đã khuất bóng, như để tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục…
Những tâm tình, cảm xúc được các thí sinh chia sẻ trong buổi lễ trao giải cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh” do Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh tổ chức tại chùa Dược Sư (TP.HCM), mà dư âm của nó vẫn còn đó, còn trong tâm thức của nhiều người. Tất cả đã tạo nên một mùa Vu lan đặc biệt xúc động và ý nghĩa đối với đông đảo người tham dự.
Đó là thanh âm chiều với tiếng ễnh ương dưới ruộng, tiếng dế bên hông nhà, lời ru thổn thức của má, cùng với sự đồng cảm về cuộc đời mồ côi bất hạnh của người bạn thân đã gợi nhớ trong lòng Lê Văn Nhân, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh” xúc cảm về cha mẹ của mình. Để rồi, sau cùng trái tim ấy đã rung động, biết hổ thẹn khi nghĩ về những giây phút vô tâm với cha mẹ, và quyết định dành thời gian để về bên họ, hóa giải những khúc mắc bằng tình thương, sự cảm thông với đấng sinh thành của mình.
Cảm xúc ấy cũng được chính Nhân chia sẻ với người mẹ của mình trong buổi trao giải. Một món quà đầy ý nghĩa, như một lời xin lỗi cho những phút giây vụng dại của đứa con thơ vô tình làm mẹ buồn lòng. Qua câu chuyện của mình, Nhân cũng mong muốn gửi gắm đến những người vẫn còn đang đủ cha mẹ hãy biết trân trọng và cảm thấy may mắn với điều đó, đừng để khi mất đi rồi mới thấy hối tiếc muộn màng, vì rằng:
“Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn thay còn nối
Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi!”.
Đó còn là những trăn trở giữa lý tưởng xuất gia và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu, bệnh đau của Sư cô Thích nữ Huệ Như trong “Nghĩ về hai đấng sinh thành”, tác phẩm đạt giải Nhất hạng mục “Bài dự thi được cộng đồng mạng bình chọn”.
“Đi tu liệu có phải là bất hiếu không?” là suy nghĩ khiến cô luôn canh cánh bên lòng khi nghĩ về họ. Cho đến khi đã được vào chùa xuất gia học Phật, hiểu được cách báo hiếu đầy đủ nhất đó là hướng cha mẹ từ bỏ điều ác, siêng làm việc lành và con đường tu niệm, học Chánh pháp, đạt tới trí tuệ chơn chánh, giải thoát, thì lòng cô mới thật sự an.
“Con xin được mượn giấy bút để trên đây những lời tri ân sâu sắc nhất gửi đến ba mạ của chúng con. Cảm ơn ba mạ đã trao cho chúng con hình hài, là máu thịt, là hơi thở, là nụ cười… đã chở che cho chúng con bằng cả tình thương, sự hy sinh to lớn, cùng với những vất vả vì chúng con”, đó cũng là lời bộc bạch đầu tiên, chân tình nhất của Sư cô đối với cha mẹ của mình.
Sư cô tin vào lòng hiếu hạnh sẽ là động lực thôi thúc bản thân giữ vững Bồ-đề tâm, tinh tấn tu tập trên con đường xuất gia học đạo, để hoàn thành sứ mệnh của nguời sứ giả Như Lai, lấy sự nghiệp hoằng dương Phật pháp làm đầu, cũng là cách báo hiếu trọn vẹn nhất của một người xuất gia như cô.
Hoặc là một người cha, mặc dù không hoàn hảo, nhưng trong ký ức ấm áp của Lê Đặng Tấn Phát (14 tuổi), người đạt giải Nhì cuộc thi với tác phẩm “Nhớ cha” thì luôn dành những điều hoàn hảo nhất cho con của mình. Một người cha vốn dĩ không thích đọc sách nhưng lại mua sách tâm lý trẻ em, cách làm cha mẹ để cố gắng trở thành người cha tốt. Cha không sử dụng quyền uy mà dùng tấm gương của mình để răn dạy con trở thành người tốt.
Cho đến một ngày, bầu trời hôm ấy vẫn xanh trong, nhưng lòng của đứa con bé nhỏ kia lại ngập đầy bão tố. Người cha đã vội vã ra đi chẳng một lời từ biệt sau một vụ tai nạn, để lại một trái tim nhỏ bé tan nát, lẻ loi chẳng biết bám vào đâu. Nỗi chấp niệm dai dẳng bám mãi chẳng dứt, đứa bé ấy nhặt nhạnh những ký ức xưa của người cha để lại, cố gắng chữa lành nỗi đau kia để trở nên mạnh mẽ, lương thiện và làm chỗ dựa cho mẹ như cha đã từng.
Một câu chuyện khác được bé Nguyễn Tố Uyên (6 tuổi), đạt giải “Thí sinh nhỏ tuổi nhất tham dự cuộc thi” chia sẻ cũng làm nhiều người tham dự ấn tượng. Dù còn nhỏ nhưng bé đã tự mình cầm bút, phối màu, rồi cặm cụi dành thời gian hai tuần để phác họa lên những nét vẽ về người mẹ của mình. Đấy là món quà, là niềm hạnh phúc lớn nhất mà bé có thể làm được dành cho cha mẹ của mình trong dịp Vu lan.
Câu chuyện của Nhân, Phát, bé Tố Uyên hay của Sư cô Thích nữ Huệ Như chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện được các bạn trẻ gửi về tham dự cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh”. Những cảm xúc, yêu thương được thể hiện qua những câu chữ, nét vẽ ấy dường như đã họa nên hình ảnh cao cả của cha mẹ trong cuộc sống đời thường của họ. Để rồi những yêu thương đó, khi kết đủ duyên lành đã nở thành những bông hoa đầy sắc màu trong vườn hoa hiếu hạnh, trở thành nơi ký thác tình cảm của họ đến với cha mẹ, cũng là món quà ý nghĩa và trọn vẹn dâng lên hai đấng sinh thành trong mùa Vu lan.
Cuối cùng, như lời nhắn nhủ của Thượng tọa Thích Tâm Chơn đối với các thí sinh thì “những lời hay ý đẹp trong những bài thi này cần được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta nói được câu gì, làm được việc gì để cha mẹ vui thì làm ngay đi, đừng hẹn đến ngày mai. Được như vậy, chúng ta sẽ không hối tiếc khi một mai vô thường, không may cha mẹ không còn bên ta nữa. Như vậy, vườn hoa hiếu hạnh không chỉ nở trong tiết Vu lan mà sẽ được nở quanh năm, xuân, hạ, thu, đông”.
Cuộc thi đã có những bài thi vô cùng xúc động, những câu chuyện thật ý nghĩa về lòng hiếu thảo, tình thương yêu của con cái đối cha mẹ. Qua đó, góp phần lan tỏa những gương hiếu hạnh trong xã hội hiện nay. Đây chính là giá trị tinh thần to lớn và ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi ‘Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh’ do Phật giáo quận Bình Thạnh tổ chức”.
Thượng tọa Thích Tâm Chơn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh”
60 bài viết tham dự cuộc thi là những khía cạnh về cuộc sống, về tình cảm của những người con dành cho cha mẹ. Những yêu thương ấy luôn chất chứa trong lòng mỗi người mà để diễn tả được thành câu chuyện là điều vô cùng khó. Tuy nhiên, các thí sinh đã làm được và thậm chí làm tốt hơn khi mang đến những rung động cho người xem. Đó cũng là thành công của cuộc thi này”.
Đại đức Thích Quảng Hậu, Thành viên Ban giám khảo cuộc thi
Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ