Gió thu về

Tác phẩm “Gió thu về” của tác giả Trần Thanh Huy nằm trong Top 10 bài dự thi xuất sắc nhất của Cuộc thi “Vu lan – Mùa hoa hiếu hạnh” Phật lịch 2568 do Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh tổ chức.

30-08-2024

Thằng Huy ngồi đợi rước Trinh vì đã có hẹn chiều nay chở Trinh đi cúng chùa và mùa Vu Lan đã về, hai bạn trẻ hạnh phúc khi còn cài hoa hồng đỏ thắm, Trinh là người yêu của Huy nhà cách một con kinh, nên mỗi lần hẹn nhau thì Huy đứng bên nhà ngó qua bên kia kinh khi thấy Trinh ra Huy mới chạy qua. Trinh chưa soạn đồ xong, Huy ngồi chờ, nghe đằng xa vọng tiếng “khoai luộc đây” bất giác miệng Huy buộc gọi “bán con 5 ngàn khoai cô ơi” nhận được khoai Huy vừa ăn vừa nhìn con nước xanh ngắt, phủ những lá Bạch Đàn đầy con kinh của Huy và ngoại, con nước bây giờ đã nhường lại cho màu đỏ nâu, Huy ra bờ kinh đứng ngó đợi cô người yêu, Huy đi tới đi lui dọc hai bờ kinh nhìn hàng Bạch Đàn hương nồng ran thoang thoảng, dịu mềm quyến dụ hồn người, một cơn gió nhẹ lướt khẽ chạm tóc bông Bạch Đàn tung lên trời, rồi rơi xuống chín nhánh phù sa. Huy nhìn con nước cũng con nước này năm đó đã nuôi sống những bữa cơm cho Huy và bà ngoại, con nước vẫn chảy, dòng kinh vẫn vậy nhưng hoàn cảnh bây giờ đã khác. Huy không còn rửa khoai mỗi chiều để sáng ngoại luộc đi bán, Huy đã lớn khôn, đã có bằng lái xe đi chở hàng. Ngoại Huy tuổi cũng hơn bát tuần không còn đi bán nổi nữa.

Nói tới khoai luộc vừa thơm, vừa ngon, khói hun hút nức mũi người, ở cái bờ kinh Phù Dật này, thì người ta nhắc đến thằng Huy cháu bà hai, nhiều hơn chủ tịch xã mà đài phát thanh mỗi sáng đọc tin tức.

Cái thằng vừa chịu khó, vừa giỏi giang, vừa hiếu thảo mà lại sống đậm chất miền tây chính hiệu, tình làng nghĩa sớm, nhìn nó lụi cụi mỗi chiều rửa mấy củ khoai để sáng ngoại nó nấu bán thấy mà thương. Vì hoàn cảnh gia đình mẹ Huy phải đi làm xa để thằng con thơ ở với bà ngoại, thiếu tình thương mẹ lẫn sự che chở của cha.

Tác giả Trần Thanh Huy (vị trí thứ 1, từ trái sang) nhận hoa chúc mừng từ Ban Tổ chức cuộc thi

Hồi đó mỗi chiều là thấy thằng Huy ngồi ở bờ kinh rửa mấy củ khoai lang, nó rửa kĩ lắm nắn nót tưởng chừng là một thằng chu đáo, hỏi ra mới biết ngoại nó nói “mình buôn bán phải sạch sẽ kĩ lưỡng người ta thấy vậy mới mua nhiều” thằng Huy còn nhỏ đâu có làm gì ra tiền để mỗi ngày đi học. Ngoại nó kêu “mày rửa khoai kĩ, sáng tao cho tiền mày đi học” ừ thì chắc bà muốn nó rửa kĩ nên kêu nó như vậy chứ không kĩ ngoại nó cũng phải cho tiền nó đi học thôi, vì lương tâm người bà, tình thương yêu người bà, dành cho đứa cháu bắt ngoại nó phải vậy. Thằng Huy nó hiền lành, dễ thương vậy đó chứ ở cái xóm này mấy đứa nhỏ cùng trang lứa hay ăn hiếp nó lắm, có đứa hiểu chuyện học được mấy câu của người lớn “ôi cái thằng đầu đường xó chợ” mỗi khi thằng Huy nghe bạn bè nó nói vậy, nó đều về nhà bật khóc một mình, bởi nó biết cái phận nghèo hèn của nó khi đáp trả lại sẽ bị một trận đòn từ bạn, nếu nó đánh trả nó sẽ bị người thân của những đứa bạn, đánh nó nặng hơn, bởi thằng Huy ở với bà ngoại từ nhỏ, bà dạy cho nó sống lương thiện, nên nó cũng sợ nếu nó đánh trả người ta đến mắng ngoại nó, nó càng đau lòng hơn, nên mỗi khi nó nghe hoặc thấy người ta không thích là nó về nó chơi cát một mình.

Hồi nhỏ vì hoàn cảnh đẩy đưa mẹ nó phải chịu cảnh đời ngang trái, trót dại tin một kẻ lừa dối tình cảm mà có nó, sau đó mẹ nó mang nó đi bán, ngoại nó là người chuộc về, từ đó nó ở với bà ngoại. Có lần trong đêm tối thao thức, nó nói với bà hai ngoại nó “con hận mẹ, mẹ không thương con, con ghét mẹ vì mẹ bỏ mặc bà cháu mình” giọng bà hai dịu dàng “mẹ con không muốn vậy đâu, con không muốn ở với ngoại nữa sao?” thằng Huy cái miệng lẹ như gió “dạ dạ đâu có đâu ngoại, con thương ngoại mỗi ngày đội cái thúng khoai luộc đi bán nuôi con ăn học”  bà hai xoa đầu nó “ngủ đi con” ánh đèn dầu cũng dần dần nhỏ đi. Thằng Huy không nói ra nhưng nhiều lần nó cũng tự nghĩ không biết mẹ vì hận người ta nên bán mình, hay vì mẹ không thương mình mà bán mình đi, để bây giờ mình phải chịu mang cái tiếng đầu đường xó chợ này đây. Nhưng mỗi lần nghĩ đến câu trả lời dường như không có hồi đáp.

Ngày nọ, bà hai đi bán khoai, mưa to đường trơn bà ngã, phải nằm cả tháng mới đi được, từ đó khoai rửa kĩ cỡ nào bà cũng không đi bán được nữa. Thằng Huy chăm bà từng chút, nhưng chưa có kinh nghiệm, vì hồi nào giờ cái gì bà cũng làm, thằng Huy chỉ việc ăn học và chiều rửa khoai lang thôi, nên nó nấu cháo thì mặn chát, lau nhà thì không sạch bà nhìn mà phát chán, nghĩ vậy bà cũng gán ăn cho mau khỏe, rồi bà nằm trên giường suy nghĩ, chắc cũng đã đến lúc mình nên dạy cho nó tự lập rồi, bà vừa nghĩ vậy liền cắt giọng thỏ thẻ dạy thằng cháu, lấy một nhúm gạo mang đi vo ba nước, rồi đổ nước vào ngập ba lóng tay mặt gạo, nấu cháo trắng cho bà ăn. Xong xuôi hết việc  thằng Huy muốn mua trái cây cho bà ngoại nó ăn cho mau khỏe, nghĩ vậy nó đi nhặt ve chai đổi lấy tiền về mua nho cho ngoại nó ăn phần còn dư nó đưa cho ngoại nó. Vắng cả buổi, bà hai tưởng nó đi chơi với mấy đứa ở xóm nên khi nó vừa về cắt tiếng “ngoại ơi, ngoại sao rồi”  vừa gọi vừa mang nho và tiền còn dư vào đưa cho ngoại nó, bà hỏi “ai cho nho mà mới vậy con, rồi tiền nữa” thằng Huy mặt hớn hở “con đi nhặt ve chai sớm giờ để mua cho ngoại đó, này tiền còn dư nè ngoại giữ đi để nữa mua thuốc” bà hai nhìn thằng cháu ngoại, hồ mắt rưng rưng “đi tắm thay đồ đi con, rồi ăn cháo đi” thằng Huy rót ly nước ấm cho ngoại, rồi đi tắm. Bà hai nằm ở trên giường nhìn bóng lưng thằng cháu, ừ thì nó đi nhặt ve chai có gì đâu chỉ là bà rơi vài giọt nước mắt.

Video bài thi

Ngày tháng dần qua hai bà cháu nương tựa với nhau, nhờ sự chăm sóc của thằng cháu ngoan bữa nồi cháo mặn, bữa thì nồi cháo ngọt mà bà cũng khỏe. Bà kêu thằng Huy đi mua khoai về rửa để sáng bà đi bán, thằng Huy hiên ngang “từ nay ngoại không cần đi bán khoai nữa, con đi học về con đi chặt bắp rồi vác lên lò, là xong” bà bất ngờ, nhìn thằng cháu “tổ cha mầy làm ở đâu, sao không xin tao” nó xoa xoa đầu “trời ơi con làm cho chú Hòa ở bên sông nè” bà hai nhìn thằng cháu ra vẻ chấp thuận, rồi thằng Huy đi học. Bà ở nhà đi tới lui, ở nhà cũng buồn nào giờ mình đi bán khoai luộc quen rồi giờ ở không mần gì sống trời, rồi ở đâu tự dưng bà tư mắm ở kế nhà lại rủ bà hai nhận ớt về lặt cuống tính tiền kí, từ đó bà ngoại sống bằng cái nghề lặt cuống ớt luôn.

Bà hai luôn dạy thằng Huy sống tốt, hướng nó đến còn điều thiện, nên mỗi ngày đi học về, ăn uống xong nó đi chặt bắp chiều về là kêu nó cúng ông bà tổ tiên, lạy phật. Bà hai hay nói “sống phải, làm lành, có đức mặc sức mà ăn nghen con” thỉnh thoảng bà hai hay dẫn nó đi cúng chùa lạy phật chắc với bà hai, suy nghĩ rằng mình nghèo là tại mình thiếu phước, mình lạy phật nhiều sẽ có phước rồi làm ăn thuận lợi. Đi chùa cúng lạy nhiều vậy đó mà thằng Huy nó thích mỗi cái lễ Vu Lan, cái tháng bảy ở chùa mấy thầy tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu nó nghe mà thấm từng câu chữ, nó nghĩ ngoại cũng như mẹ mà cái ơn ngoại lớn quá không gì sánh bằng, có lần nó muốn đi xuất gia cầu đạo nhưng nghĩ ngoại già rồi gán lo ngoại nào ngoại mất mình đi xuất gia, rồi nuôi dưỡng ý định đó năm tháng trôi qua. Cứ mỗi năm đến mùa Vu Lan là nó háo hức được cùng bà ngoại nó đi lễ, và ngoại nó cài bông hồng đỏ cho nó. Năm tháng dần trôi, rồi thằng Huy cũng trôi dạt lên tới Sài Gòn làm ăn, với lòng mong muốn kiếm được tiền nhiều để gửi về lo cho ngoại nó, mua những món đồ mà hồi nhỏ nó thấy ngoại nó thích nhưng không dám mua, thèm mà không dám ăn. Thằng Huy bởi cái tính thiện lượng mà bà ngoại đã dạy từ nhỏ thêm cái thật thà, cần cù nên công việc với nó cũng thuận lợi mà được chủ hay cho thêm tiền lắm, ông chủ thương nó lo cho nó cái bằng lái xe chở hàng hóa cho đỡ phải cực, cho nó ở lại nhà ông, hàng tháng làm tiền dư y nguyên, nó cũng không tiêu sài gì cho bản thân. Mỗi lần lãnh lương vậy, nó gửi về cho bà hai, nó đi làm có tiền nhiều nó ham, nó cứ lao vào kiếm tiền với nó bây giờ có tiền là có tất cả.

Hôm đó ngoại nó gọi “sao lâu rồi mày không về thăm tao, tao trồng giàn mướp xanh ngon lắm mày xin nghỉ về ngoại nấu cho mày ăn” thằng Huy trầm giọng “ngoại gán cuối năm con về, dưới đó ngoại giữ gìn sức khỏe ăn uống nhiều vào, tiền con gửi về ngoại thích gì thì mua sài nghen, vậy hén ngoại con đang lái xe” bà hai chưa kịp trả lời thằng Huy đã tắt máy ngang. Ít hôm sau nó lại thấy ngoại nó gọi, lúc đó thằng Huy mới lái xe xong mệt muốn ngủ một chút có sức lái tiếp nên cũng không quan tâm mặc cho bà ngoại gọi nó 4 5 cuộc điện thoại. Đến chiều hôm đó bà tư mắm ở xóm gọi điện cho thằng Huy “Huy đó hả con, con về chưa ngoại con yếu lắm rồi” lúc đó trước mặt thằng Huy đất trời như sụp đổ, nó không tin những gì nó vừa nghe thấy là sự thật, nó không tin, nó không chấp nhận nhưng hai vai nó đã thấm dòng nước mặt xen lẫn mồ hôi trên áo nó tự bao giờ. Nó điện thoại nói với ông chủ người ơn của nó rồi nó lấy những món đồ mà nó mua để dự định là cuối năm mang về cho bà hai, nó đón xe về quê, nằm trên xe tâm tư rối bời, nước mắt cứ rơi, nó tự trách bản thân phải chi đừng ham tiền ở với ngoại giờ này mình đã được cạnh bên chăm sóc ngoại rồi, trăm ngàn cái lý do đặt ra rồi nó tự trách bản thân nó, dần dần nó chìm vào giấc ngủ vì mệt mỏi. Khi mở mắt ra xe đã tới nơi, nó hối hả chạy vào nhà, đập vào mắt nó ngôi nhà bây giờ là một màu trắng xóa, ngoại nó nằm trên giường, bất động không còn thở. Vẫn chiếc giường hồi nhỏ ngoại thằng Huy xoa đầu cho nó ngủ, cạnh giường lò củi tro tàn lạnh, cái lò mà hồi nhỏ ngoại nó bệnh nó nấu cháo mặn chát, ngọt như đường ngoại nó cũng phải gán ăn. Hai mắt thằng Huy đỏ hoe, nước mắt đẫm mặt “ngoại dậy với con đi, con về rồi ngoại ơi” nhưng tiếng trả lời lại là một không giang yên tĩnh nhường cho tiếng gió nhẹ lướt qua xé lòng thằng Huy ngay bây giờ. Với thằng Huy ngoại là người duy nhất, nó thương nhất, ngoại mất rồi là nó mất tất cả rồi.

Bà tư mắm đưa lá thư cho thằng Huy mà bà hai viết lúc yếu ớt gửi lại cho đứa cháu ngoại, thằng Huy mở ra xem “con đừng trách bản thân, hãy sống tốt và lương thiện trời cao ắt có an bài, mẹ con dù gì cũng là mẹ con phải thương yêu mẹ con như con thương ngoại, vậy ngoại mới yên tâm về bên ông ngoại của con”  thằng Huy gào thét lên “ngoại ơi… ngoại ơi” với thằng Huy bây giờ đâu còn thù hận gì bởi suốt những năm tháng nó  trưởng thành ngoại nó luôn hướng nó về điều thiện, nên dần dần bản tính nó đã không còn thù hận gì với mẹ nó vì nó biết, dù gì cũng là mẹ mình chắc mẹ có nỗi khổ khó nói ra. Nó gạt đi nước mắt nén đau thương, vì bây giờ lo đám tang cho ngoại là điều quan trọng nhất, phải thật chu toàn.

Lo đám tang xong Huy một lần nữa rời bỏ ý định xuất gia, vì muốn lo cho mẹ vuông tròn theo lời ngoại dặn dò lúc còn sống. Huy về lo cho ngoại chu toàn rồi nhớ lại giàn mướp ngoại nói trồng cho mình ăn, mướp giờ đã tàn chỉ còn một hai trái, Huy hái vào ăn bao cảm xúc thấu ruột gan vì nhớ ngoại.

Thời gian dần qua, Huy cũng ở lại quê luôn không đi xa nữa vì với Huy giờ bờ kinh này là quê của Huy những kỉ vật với ngoại là quê của Huy, hồi đó còn ngoại để lo nên bôn ba kiếm tiền, giờ ngoại mất rồi tiền nhiều cũng biết để lo cho ai.

Huy về quê ở luôn, xin lái xe gần nhà để tiện phụng dưỡng hương khói cho ngoại và chăm sóc mẹ, thời gian về ở Huy cũng tìm được một người bạn tâm đầu ý hợp, là cô gái ngoan đạo mà ngoại Huy hồi còn sống hay khen.

Chìm trong cảm xúc nhớ về ngoại Huy không hay Trinh đã đi bộ qua đứng kế bên mình, Trinh chạm giọt nước mắt của Huy “anh đang nhớ ngoại hả” Trinh dường như hiểu hết tâm sự của Huy, Huy không ừ không ử gì “ sao không gọi anh qua rước, mà đi bộ qua cực vậy” Trinh nhìn Huy bằng đôi mắt dịu hiền “em nhìn qua thấy anh ngồi nhìn con nước em biết anh nhớ ngoại nên không dám gọi anh” Huy xuống sông rửa mặt lên “đi thôi em”.

Hiu hiu gió thu ru Mùa Vu Lan Báo Hiếu về, khoai rửa kĩ cỡ nào, luộc thơm hương chừng nào cũng chẳng còn ngoại móm mém ăn.

Trần Thanh Huy